Tự chủ gắn liền với tự chịu trách nhiệm và giải trình ở các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, tự chủ không đồng nghĩa với tự do quá mức, đặc biệt là trong công tác mở ngành, tuyển sinh và đào tạo. Thực tế có khá nhiều trường sau khi được Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ toàn diện, đã bắt đầu xuất hiện khuynh hướng tuyển sinh kiểu: Ta thích thì ta làm.
Hệ lụy là điều chắc chắn trong công tác đào tạo. Tuy vậy, cái mất lớn nhất chính là niềm tin và sự sòng phẳng với người học.
Những tổ hợp phi truyền thống
Tỉ lệ cử nhân không tìm được việc làm sau tốt nghiệp đã được kéo giảm mạnh mẽ trong thời gian qua. Trách nhiệm của các trường trong công tác đào tạo chưa gắn với thực tiễn, sinh viên học ngành nghề trái với đam mê… là điều không thể chối bỏ.
Vì lẽ đó, thời gian qua các trường ĐH-CĐ đang tích cực chuyển mình trong công tác đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn nhu cầu tuyển dụng và đào tạo theo địa chỉ, cũng như cam kết việc làm với sinh viên nhằm một mục tiêu: Giảm thiểu sự lãng phí của xã hội, sinh viên ra trường phải có việc làm.
Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm nay bỗng dưng bùng nổ các tổ hợp xét tuyển lạ tại một số trường ĐH. Các tổ hợp ấy (tổ hợp khối C tuyển nhóm ngành khối A, tổ hợp khối A tuyển nhóm ngành khối C) không cần các chuyên gia giáo dục thẩm định, chỉ cần người học có ý thức nhìn vào cũng biết chắc chắn một điều: Khả năng đi đến cuối con đường của người học sẽ ra sao, chất lượng đào tạo sau 4 năm sẽ như thế nào?
Thực tế, những trường có tổ hợp tuyển sinh lạ, thậm chí là bất thường như ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Hùng Vương, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Thái Bình hay ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Đông Đô… đều là những trường nằm trong diện khó tuyển sinh trong nhiều năm qua. Tuy vậy, việc sử dụng tổ hợp Văn – Sử – Địa và Văn – Sử – Giáo dục công dân để tuyển sinh các ngành Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Tài chính- ngân hàng, Kỹ thuật ô tô, Điện – điện tử, Chế tạo máy, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin, thậm chí là cả ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học (được cao đẳng dược Hà Nội tuyển sinh 2018 bằng hình thức xét tuyển) thì thật quá đáng lo ngại.
Nhìn nhận về hiện tượng “ngược đời” trên, ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, một chuyên gia trong công tác định hướng đào tạo nhân lực cũng tỏ ra hết sức quan ngại. Ông cho rằng, việc những trường đại học thông báo tuyển sinh bằng những tổ hợp tréo ngoe trên không chỉ khiến cho tỉ lệ sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường gia tăng, mà nó còn thể hiện sự thiếu sòng phẳng trong những cam kết đào tạo của nhà trường với thí sinh.
“Rất khó để các em sinh viên với thế mạnh bản thân thuộc nhóm ngành khối C (Văn-Sử-Địa) có thể học tốt các ngành học vốn mang tính đặc thù về kỹ thuật, nghiên cứu hay tài chính. Ngược lại với các em có thế mạnh về tổ hợp thuộc khối A (Toán-Lý-Hóa) cũng sẽ khó có thể học tốt các ngành vốn dĩ thuộc về khối xã hội nhân văn. Tôi đã đi tư vấn rất nhiều nơi, thực hiện rất nhiều khảo sát về thị trường lao động, cá nhân tôi nhận thấy, với những nhân sự làm nghề trái chuyên môn, chứ chưa nói đến việc học nghề trái năng lực, khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động là rất hạn chế”- ông Trần Anh Tuấn nói.
Hệ luỵ khôn lường
Không chỉ gây “hỗn loạn” thị trường lao động trong tương lai, mà với cách thức tuyển sinh, đào tạo kiểu bất chấp như một số trường vừa làm còn mang lại hệ lụy rất lớn cho bản thân từng sinh viên, từng gia đình và xã hội. Đó là sự lãng phí, đó là việc đánh mất niềm tin.
Theo Tin tức TP Hồ Chí Minh online phân tích: Ngoài việc học sinh sẽ không thể theo nổi các chương trình học không thuộc đam mê và thế mạnh của mình, các em còn phải đối mặt với cảm giác bi quan, cảm giác chán nản… dẫn đến hiệu ứng tâm lý không tốt.
Thực tế đã chứng minh, hàng chục ngàn sinh viên bị cảnh cáo học vụ hàng năm tại các trường ĐH – CĐ vì học tập chểnh mảng, bỏ học, học không nổi đã cho thấy tầm quan trọng của công tác định hướng, chọn ngành, chọn trường đối với học sinh. Trong đó, các trường ĐH – CĐ chính là những người đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng, khai mở đam mê bản thân cho từng thí sinh để giúp các em dấn thân cho đam mê của mình.
“Cá nhân tôi nhận thấy, việc tuyển sinh kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” của một số trường như vừa qua xuất phát từ khó khăn trong công tác tuyển sinh của nhà trường, hoặc có thể do tính toán tổ hợp tuyển sinh chưa hợp lý. Tuy nhiên, việc xem nhẹ trách nhiệm trong công tác đào tạo với chính sản phẩm của mình (sinh viên) là điều khó chấp nhận. Một khi anh đã không coi chất lượng sản phẩm của mình (sinh viên sau khi ra trường) là giá trị cốt lõi thì sẽ rất khó để anh định vị được thương hiệu và niềm tin của trường mình với xã hội”- TS Tiệp chia sẻ.
Thực tế, học sinh, phụ huynh hiện nay cũng thể hiện mình là người thông thái, am hiểu rất nhiều trong công tác chọn ngành, chọn trường. Xã hội và sự phát triển của nền kinh tế cũng đã tác động rất lớn đến sự dịch chuyển trong suy nghĩ của không ít học sinh khi tấm bằng ĐH không phải là mục tiêu đạt được bằng mọi cách. Vì vậy, những trường đã và đang xây dựng cơ chế tuyển sinh theo phương thức “ăn sổi” chắc chắn sẽ không thể tạo ấn tượng tốt đẹp.
Không một đơn vị nào có nhã ý phản hồi về việc làm lạ lùng của mình khi xây dựng các tổ hợp tuyển sinh bất thường. Điều đó đồng nghĩa với việc họ né tránh trách nhiệm giải trình và tự chịu trách nhiệm của mình. Sẽ ra sao nếu việc tự chủ theo tinh thần tự chủ toàn diện mà Bộ GD&ĐT đang triển khai mạnh mẽ xuống cho các trường, để rồi nảy sinh những kiểu tự chủ “xé rào” một cách vô trách nhiệm như vậy vẫn tồn tại?